Mục lục

Kinh nghiệm chọn mua card đồ họa cho gamer

Một số mẹo vặt sau đây sẽ giúp bạn phân biệt card đồ họa chơi game từ đó lựa chọn được một sản phẩm ưng ý nhất.

    Hiện nay, trên thế giới chỉ có 2 hãng sản xuất chip card đồ họa chuyên dụng cho máy tính là NVIDIA và AMD. Các hãng sản xuất linh kiện khác như MSI, ASUS, Zotac, Power Color... là những hãng sử dụng chip đồ họa của NVIDIA và AMD sau đó tinh chỉnh thêm hoặc thêm một số linh kiện tùy chọn để sản xuất ra các card đồ họa mang thương hiệu riêng của mình.

    Vì vậy, các bạn có thể thấy trên thị trường hiện có rất nhiều Card đồ họa phục vụ chơi game với nhiều thương hiệu khác nhau và đủ mọi giá thành, kiểu dáng, kích thước,.... Do đó, phân biệt được các Card đồ họa này sẽ một yếu tố quan trọng giúp bạn lựa chọn được một chiếc Card phù hợp với nhu cầu, tiết kiệm được chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu năng khi chơi game. Một số mẹo vặt sau đây sẽ giúp bạn phân biệt Card đồ họa chơi game, từ đó lựa chọn được một sản phẩm ưng ý nhất.
    Phân loại theo cấp độ
    GT 740
    Thông thường cấp độ của các Card đồ họa được chia thành 3 nhóm chính là: cơ bản, trung cấp và cao cấp. Cụ thể, cấp độ cơ bản là để xếp loại các Card đồ họa phục vụ tốt các tác vụ đồ họa cơ bản như xem phim Full HD, chơi game online hoặc một số game offline với thức lập vừa phải (Medium hoặc High) tại độ phân giải từ 1024 x 768 đến 1366 x 768.
    GTX 960
    Trong khi đó, cấp độ trung cấp là các loại Card đồ họa có thể chơi các game offline mới nhất với mức setting trung bình (Medium hoặc High) tại độ phân giải từ 1366x768 đến 1920x1080, xem phim Full HD và xử lý một số công việc liên quan đến đồ họa như dựng hình 3D, biên tập video, render hình ảnh.
    GTX 980Ti
    Còn lại cấp độ cao cấp là các loại Card cho phép bạn chơi các game offline thoải mái với mức setting cao nhất (Very High hay Ultra) tại độ phân giải từ 1920x1080 đến 4K, 8K, kèm theo đó là việc hỗ trợ các công nghệ như AMD CrossfireX, Nvidia SLI giúp kết nối nhiều card đồ họa với nhau để tăng thêm sức mạnh xử lý. Trên thực tế, các hãng sản xuất Card đồ họa cũng đặt tên sản phẩm theo cách phân loại này.
    Phân loại theo hiệu năng
    Hiệu năng của một card đồ họa sẽ cho thấy chính xác nhất phân khúc mà nó hướng tới. Ba phân khúc của Card đồ họa sẽ cho 3 mức hiệu năng khác nhau.
    Dù chỉ dưới 2 triệu nhưng R7 250 vẫn chiến tốt DOTA 2 và LoL
    Card phổ thông thường chỉ trang bị vi xử lý đồ họa cấp thấp, tản nhiệt đơn giản hoặc tản nhiệt thụ động không cần quạt, không cần nguồn phụ do tiêu thụ điện năng khá thấp. Nếu bạn đang sở hữu màn hình từ 19 inch trở xuống và chỉ có nhu cầu chơi game online, xem phim Full HD, bạn có thể đầu tư vào loại Card phổ thông là có thể đảm bảo đáp ứng tốt các nhu cầu cơ bản này.
    Tuy nhiên, nếu đang sở hữu một vi xử lý Intel Haswell hay mới nhất là Skylake, bạn không cần đầu tư vào Card đồ họa loại này, vì đồ họa tích hợp trong những thế hệ CPU mới này cũng mạnh mẽ không kém gì các dòng Card rời phổ thông. Điều đáng quan tâm là khi chip đồ họa tích hợp không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, bạn sẽ cần tới những chiếc card đồ họa dưới đây:
    GTX 750Ti, một card đồ họa từng làm mưa làm gió các phòng máy
    Card trung cấp sẽ được trang bị vi xử lý đồ họa mạnh mẽ hơn, tản nhiệt khí tốt hơn. Bạn có thể chơi game offline ở độ phân giải từ 1366x768 đến 1600x900 với mức thiết lập từ Medium đến High. Đây là mức thiết lập phổ biến nếu bạn đang sở hữu một màn hình kích thước từ 18.5 đến 23 inch.
    Card đồ họa ở tầm này cũng sẽ tiêu thụ điện năng nhiều hơn và bạn sẻ phải đầu tư thêm một bộ nguồn công suất thực sở hữu đầu cấp nguồn 6 pin để có thể đảm bảo cấp đủ điện cho chiếc Card đồ họa. Chỉ có một số Card đồ họa như GTX 750 hay R7 250 tuy thuộc dòng trung cấp nhưng lại tụ điện năng khá ít và không cần đầu cấp nguồn 6 pin mà vẫn có thể hoat động tốt.
    GTX Titan X - Ước mơ của mọi game thủ Việt
    Card cao cấp với tên gọi của mình sẽ được trang bị những vi xử lý mạnh mẽ nhất, thậm chí là vi xử lý lõi kép, bộ nhớ đồ họa thường từ 2GB trở lên, tản nhiệt cũng được trang bị rất "hầm hố" từ 2 đến 3 quạt, hoặc thậm chí là cả ngàm gắn tản nhiệt nước như phiên bản iChill GTX 970 mà Trung IT từng giới thiệu tới các bạn.

    Tuy vậy, đi kèm với những card đồ họa cao cấp, bắt buộc hệ thống của bạn cũng phải được trang bị những phần cứng "khủng" khác để có thể khai thác hết sức mạnh của các card đồ họa cao cấp như CPU core i7 hoặc Xeon, 8 đến 16GB RAM, Mainboard cao cấp... Đặc biệt, bạn không thể quên bộ nguồn công suất lớn cỡ 700W trở lên của những thương hiệu đáng tin cậy.
    Phân loại theo giá thành
    Một yếu tố nữa cũng giúp bạn phân loại các loại Card đồ họa và xác định được nhu cầu, đó là giá thành của một chiếc Card.
    Card ở phân khúc cơ bản thường có giá dưới 2 triệu đồng, đủ để… bật game. Trong khi, Card ở phân khúc trung cấp hiện tại thì có giá khoảng từ 3 đến 6 triệu đồng và các card cao cấp thường có giá trên 6 triệu đồng. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá phụ thuộc vào yếu tố này vì có một số loại Card đồ họa tuy hiệu năng không tốt nhưng lại bị "làm giá" hoặc do chính sách giá không tốt từ nhà sản xuất mà giá bị đẩy lên cao. Vì vậy, giá thành chỉ là một yếu tố nên xem xét cuối cùng khi phân loại Card đồ họa.
    Một số kinh nghiệm
    Trong thời gian qua, không ít game thủ đã bỏ những khoản tiền lớn để sở hữu cho mình một hệ thống máy tính chơi game với card đồ họa khủng. Tuy nhiên trong số đó vẫn có không ít người bị “hớ”, khi nghe theo một số người tư vấn dẫn tới khoản đầu tư lỗi.
    Điều đầu tiên cần đề cập, đó là card đồ họa không phải phần cứng quan trọng nhất trong một hệ thống máy tính chơi game. Thay vào đó là CPU. Bạn có thể bỏ cả chục triệu để sở hữu một card đồ họa cao cấp, đẹp mắt nhưng lại chỉ sở hữu chip CPU không mấy tương xứng, hoặc mua một thùng máy quá nhỏ, không đảm bảo khả năng tản nhiệt bên trong.
    Cần nhớ một điều, không như chip xử lý, thứ có thể sử dụng trong vài năm trước khi cần nâng cấp, thì những chiếc card đồ họa chỉ cần 2 đến 3 năm là đã có thể “mất giá” khi thế hệ thiết bị mới được giới thiệu. Chính vì thế kinh nghiệm được đưa ra là, dù rằng card đồ họa rất quan trọng khi chơi game, thế nhưng đừng vì thế mà bỏ hết tiền vào một card đồ họa thực sự cao cấp, khiến cả dàn máy gặp tình trạng nghẽn cổ chai hoặc hoạt động không đúng với khả năng vốn có vì sự bó hẹp của những phần cứng rẻ tiền còn lại trong thùng máy.

    Game thủ cũng cần cân bằng giữa hiệu năng phần cứng và khả năng của thùng máy. Sở dĩ nói như vậy là vì chơi game là một trong số những tác vụ máy tính nặng nề nhất, và một thùng máy không đảm bảo sẽ khiến cho cả khả năng hoạt động lẫn tuổi thọ của phần cứng bị giảm sút do nhiệt năng mà chính phần cứng tạo ra trong quá trình sử dụng.
    Chúc các bạn tìm được mẫu card đồ họa ưng ý trong thời gian tới!